Tin nổi bật

Hội thảo khoa học cấp khoa: "PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY MÔN TỔNG HỢP VÀ NGHE VIẾT CHO SINH VIÊN CHUYÊN NGÀNH NGÔN NGỮ TRUNG QUỐC TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI"”


03-06-2023

      Thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023, 8h sáng ngày 03 tháng 06 năm 2023, Bộ môn tiếng Trung Quốc đã tổ chức Hội thảo cấp khoa: “Phương pháp giảng dạy môn tổng hợp và nghe viết cho sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Trung Quốc trường Đại học Sư phạm Hà Nội”. Tham dự buổi hội thảo có đầy đủ các cán bộ, giảng viên Bộ môn tiếng Trung Quốc và các đại biểu đến từ trường Đại học Điện lực và trường Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc Gia Hà Nội. Tiến sỹ Ngô Thị Khánh Chi – Trưởng Bộ môn tiếng Trung Quốc chủ trì buổi hội thảo.

     Mở đầu buổi hội thảo, Tiến sỹ Ngô Thị Khánh Chi đã phát biểu khai mạc và nhấn mạnh đến vai trò của hoạt động giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Trung Quốc – khóa sinh viên đầu tiên năm học 2022 – 2023. Tiến sỹ Ngô Thị Khánh Chi còn bày tỏ mong muốn thông qua buổi hội thảo, các thầy cô giáo sẽ chia sẻ các phương pháp giảng dạy của cá nhân để mọi người có thể cùng thảo luận và áp dụng trong thực tế; từ đó có thể nâng cao chất lượng giảng dạy môn tổng hợp và nghe viết cho sinh viên chuyên ngành k72.

          Hội thảo được mở đầu bằng bài báo cáo “Bàn về việc dạy và học tiếng Trung Quốc tổng hợp cho sinh viên K72 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội” của Thạc sỹ Trần Thị Yến – giảng viên đảm nhiệm giảng dạy môn Tổng hợp 1 cho sinh viên chuyên ngành. Thạc sỹ Trần Thị Yến đã đánh giá tổng quan sau kì dạy học môn Tổng hợp 1, đồng thời chỉ ra những thuận lợi, khó khăn và đưa ra các giải pháp cụ thể để cải thiện chất lượng giảng dạy. Tiếp đó lần lượt các báo cáo của Tiến sỹ Nguyễn Văn Thiện với tiêu đề là “Phương pháp giảng dạy môn tổng hợp: từ cấu trúc đến chức năng đến lý thuyết chủ đề”; báo cáo của Tiến sỹ Ngô Thị Khánh Chi với nội dung là “Mô hình tiếp cận nhiệm vụ trong giảng dạy tiếng Trung môn tổng hợp cho sinh viên chuyên ngành”; báo cáo của Thạc sỹ Nguyễn Thanh Huyền có tựa đề là “Sử dụng trò chơi ngôn ngữ trong giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc năm thứ nhất”. Đặc biệt là báo cáo “Mở rộng môi trường tự học cho sinh viên chuyên ngành tiếng Trung Quốc qua các ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo học phần tổng hợp” của chuyên gia mời có uy tín – Tiến sỹ Vũ Thị Huế (Khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Điện lực). Báo cáo của Tiến sỹ Vũ Thị Huế đã đưa ra những đề xuất có giá trị trong việc biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo, phù hợp với phương thức đào tạo tín chỉ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Các báo cáo trong phiên 1 của hội thảo đã thu hút được sự quan tâm chú ý của toàn thể các đại biểu. Sau các báo cáo là phần trao đổi, thảo luận rất sôi nổi. Nhiều câu hỏi, vấn đề thực tế được đưa ra và đa số đã tìm được câu trả lời, giải pháp phù hợp.

          Phiên 2 của hội thảo là các nội dung báo cáo liên quan đến thực tế giảng dạy của môn Nghe hiểu 1 và môn Viết 1 của 3 giảng viên của Bộ môn: Thạc sỹ Phạm Thị Thu Trang với báo cáo “Từ dữ liệu kết quả học tập 3 môn Nghe hiểu 1 – Khẩu ngữ 1 – Viết 1 của sinh viên K71 ngành Ngôn ngữ Trung Quốc đến một số kinh nghiệm rút ra trong quá trình dạy và học môn Nghe hiểu 1”; Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết Mai với báo cáo “Một số phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học kỹ năng nghe nói cho sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc” và Tiến sỹ Hy Thị Hồng Nhưng với báo cáo “Phương pháp giảng dạy môn Viết cho sinh viên ngành ngôn ngữ Trung Quốc tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội”. Sau khi hai giảng viên trực tiếp giảng dạy môn Nghe hiểu 1 và môn Viết 1 trình bày báo cáo, các đại biểu tiếp tục trao đổi, thảo luận rất nhiệt tình. Các đại biểu đều tán đồng với việc cần phải ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ vào quá trình giảng dạy các môn kỹ năng, đồng thời đưa ra nhiều đề xuất về nội dung chương trình học và đánh giá môn học với Ban chủ nhiệm Bộ môn.

     Sau hơn 3 giờ hội thảo, Tiến sỹ Ngô Thị Khánh Chi đã kết luận lại một số những ý chính. Theo đó, Tiến sỹ Ngô Thị Khánh Chi cho rằng buổi hội thảo đã mang đến những ý kiến vô cùng thiết thực, bổ ích, nhiều kinh nghiệm có thể áp dụng được luôn nhưng cũng có những giải pháp cần xây dựng các nhóm nhỏ giảng viên cùng thực hiện.

          Ban Tổ chức Hội thảo xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã quan tâm sâu sắc và tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ môn tiếng Trung Quốc tổ chức hội thảo này. Đồng thời, chúng tôi cũng trân trọng cảm ơn các chuyên gia, các thầy cô giảng viên đã mang tới hội thảo những chia sẻ thực tiễn và ý kiến quý báu để làm nên sự thành công của hội thảo.

     Một số hình ảnh tại buổi hội thảo:

 

 

 

Post by: Phạm Thị Thu Trang
03-06-2023

Comments

Load more

Send